Khi quyết định chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất trồng mì của gia đình sang trồng 3.000 gốc măng tây, nhiều người cho rằng anh Huỳnh Ngọc Khoa (SN 1983) ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh “chim đậu không bắt đi bắt chim bay”. Nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo, vườn măng tây của anh sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Anh Huỳnh Ngọc Khoa đang theo dõi quá trình sinh trưởng của cây măng tây. Ảnh: H.T.Đ |
Anh Khoa chia sẻ, sau khi tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, tôi quyết định mua măng giống từ Đắk Lắk về trồng. Sau hơn 3 tháng xuống giống, cây măng tây thích ứng tốt, sinh trưởng nhanh đạt độ cao từ 70 – 80 cm, điều này cho thấy cây măng tây phù hợp với điều kiện tự nhiên của Vân Canh.
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm “sạch”, anh Khoa chăm sóc cây măng theo hướng hữu cơ. Theo đó, anh gần như chỉ sử dụng phân bò ủ hoai bằng chế phẩm sinh học Trichoderma để bón cho cây măng. Cách làm này vừa tiết kiệm một phần chi phí vừa làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Hơn nữa, thời gian khai thác của cây đến 5 – 7 năm.
Anh Huỳnh Ngọc Khoa chia sẻ: Ngay từ đầu, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tự sản xuất phân bón bằng chế phẩm sinh học, lót bạt chống cỏ, hạn chế sạt lở, cắm cọc bê tông, giăng dây tạo điểm bám trụ cho cây ở từng luống măng. Măng tây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều tiểu thương đã liên hệ để tiêu thụ măng tây ở vườn tôi.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, cho biết: Xã Canh Hiển đang phát triển nghề trồng rau sạch cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Mô hình trồng măng tây tại hộ anh Khoa góp phần đa dạng danh mục rau củ nhà vườn Canh Hiển có thể cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, việc anh sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ tạo mô hình điểm góp phần thiết thực để bà con nông dân trong khu vực tìm hiểu, học hỏi nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ.