Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây măng tây sẽ thường mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng và giảm năng suất thu hoạch. Hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu rõ hơn về một số bệnh thường gặp và cách phòng bệnh trên cây măng tây.
Tìm hiểu một số bệnh thường gặp khi trồng măng tây
Cây măng tây nhiễm bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Khoảng cách quá dày, khi mưa nhiều ngày đất dễ bị kết dính, ngập úng khiến cây măng bị nấm bệnh xâm hại, không kịp thời xới xáo đất, khai thông rãnh thoát, đất trồng thiếu dinh dưỡng hữu cơ, thiếu vôi,… Bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số bệnh thường gặp trên cây măng tây và cách phòng trị nhé.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở cây măng tây và cách phòng trị
1. Bệnh thán thư
Khi măng tây xuất hiện các dấu hiệu của bệnh thán thư, bà con cần nhanh chóng cắt tỉa những cây nhiễm bệnh, tránh xa các cây khỏe mạnh và tiến hành tiêu hủy. Đồng thời tiếp tục phun phòng các chế phẩm sinh học như nano bạc đồng và tưới thêm kích rễ kèm theo chế phẩm trichoderma bacillus để bảo vệ hệ rễ cho cây măng tây.
Để phòng tránh được bệnh thán thư, cần chú ý về xử lý hệ thống thoát nước. Trồng măng tây cần có hệ thống rãnh thoát nước tốt, cao ráo. Trong trường hợp thời tiết mưa nhiều, cần khơi thông cống rãnh, không được để nước đọng trên ruộng quá 24 giờ, tránh trường hợp cây bị vàng. Bên cạnh đó cần tỉa cây thông thoáng với mật độ 3-4 cây/bụi, cắt ngọn thấp để tránh đổ ngã.
2. Bệnh sương mai
Khi thời tiết thay đổi, cây măng tây sẽ dễ mắc phải bệnh sương mai. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các vết vàng loang lổ trên thân cây.
Bà con cần chú ý phát hiện và xử lý bệnh sương mai khi cây mới chớm vào bệnh từ 5-10%. Tiến hành phun nano bạc đồng, theo dõi và duy trì một tháng phun một lần.
3. Bệnh rỉ sắt
Bệnh rỉ sắt cũng là một trong những bệnh thường thấy ở cây măng tây. Khi cây xuất hiện những dấu hiệu của bệnh, những vết mụn nổi trên mặt lá hoặc thân, có màu đỏ nâu hoặc màu đen. Nếu không xử lý kịp thời, khi bệnh nghiêm trọng, các vết mụn mọc dày trên thân và lá, chuyển thành màu đen làm cho cây yếu và giảm năng suất, chất lượng chồi ngọn thu hoạch.
Thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, bệnh này có tốc độ lây lan nhanh với điều kiện thời tiết mưa, ẩm khiến cây nhanh chết. Khi phát hiện vườn bị bệnh gỉ sắt bà con thu gom những cây bị bệnh đem đi tiêu hủy để tránh lây lan. Sau đó sử dụng vaccin kết hợp với siêu đồng để đặc trị bệnh, tiêu diệt nấm bệnh gỉ sắt trên măng tây hiệu quả, mà lại an toàn cho con người và môi trường xung quanh.
4. Một số sâu hại cây trồng
Ngoài việc xử lý các bệnh ra bà con cần chú ý đến việc diệt trừ sâu gây hại cho cây măng tây. Vào mỗi mùa và mỗi thời điểm sẽ có các loại sâu hại khác nhau. Nếu không tiến hành diệt trừ sâu hại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cả cây mẹ và mầm măng.
Mùa nồm ẩm là môi trường thích hợp cho sâu đen và sâu khoang phát triển. Đây là sâu ải, ăn mầm và sống ở đất. Vào mùa xuân, sâu xanh phát triển mạnh. Đây là sâu ăn lá, nếu không xử lý kịp thời sẽ hỏng lá và thân cây mẹ. Trong thời gian thu hoạch măng tây cần chú ý diệt trừ sâu bướm đẻ trứng kết hợp với các chế phẩm sinh học để khắc phục tình trạng sâu hại cây trồng.
Trên đây là một số sâu bệnh thường gặp ở cây măng tây và cách phòng trị.