Xót xa trước cảnh ruộng đồng bỏ hoang, anh Mạnh đã tìm hiểu, đưa cây măng tây xanh về sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho bà con.
Đánh thức đồng hoang với cây măng tây xanh
Dẫn chúng tôi đi tham quan 2,4 mẫu măng tây xanh đang bước vào vụ thu hoạch, anh Vũ Văn Mạnh ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không dấu được niềm vui. Anh chia sẻ, trước đây gia đình trồng các loại rau màu trên đất bãi, hiệu quả kinh tế thấp. Với quyết tâm làm giàu, bứt phá từ chính mảnh đất quê hương, anh quyết định bỏ ngang công việc tại xưởng cơ khí đang thời đông khách để làm nông nghiệp với cây măng tây xanh.
“Trước đây, diện tích đất bãi bồi ven sông Đáy màu mỡ này người dân địa phương chỉ trồng loanh quanh hoa màu như ngô, lạc. Thậm chí có nhiều gia đình còn bỏ hoang vì không có lao động. Nhìn ruộng đất màu mỡ, thuận tiện đường giao thông mà để cho cỏ mọc, tôi rất xót xa và luôn nung nấu có ngày sẽ khởi nghiệp trên chính mảnh đất ấy. Chính vì vậy, tôi đã bàn bạc với gia đình để thuê, đấu thầu lại đất ruộng để mở hướng phát triển kinh tế mới”, anh Mạnh kể.
Nói là làm, năm 2018, anh đi tham quan mô hình trồng súp lơ baby và mô hình trồng cây măng tây xanh tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). Sau buổi tham quan, càng thôi thúc anh Mạnh tìm hiểu về quy trình và phương pháp chăm sóc cây măng tây xanh, bởi anh nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tại quê nhà, trồng một lần có thể cho thu hoạch 10 năm, giá bán sản phẩm lại rất cao, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất, vitamin và là giải pháp cho nhiều vấn đề về sức khỏe. Chính vì vậy, anh đã quyết định đầu tư để xây dựng trang trại trồng măng tây xanh trên chính đồng đất quê mình.
Ban đầu vừa tìm hiểu, vừa học hỏi, vừa thực hành, anh Mạnh trồng 1,4 mẫu măng tây xanh ở bãi bồi ven sông Đáy dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Công ty Nông sản Toàn cầu. Cùng với học hỏi kinh nghiệm phương pháp chăm sóc cây măng tây xanh từ sách báo, internet và các mô hình thành công, sau 1 năm, cây măng tây đã cho năng suất và thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Có kết quả từ diện tích ban đầu, đầu năm 2022, anh Mạnh đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội, đề xuất với chính quyền địa phương xin chuyển đổi tiếp cây trồng kém hiệu quả để mở rộng thêm 1 mẫu đất, nâng tổng diện tích trang trại của gia đình lên 2,4 mẫu để sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của UBND xã, Hội Nông dân xã Sơn Công.
Lãi 800 triệu đồng/năm
Vốn là cây trồng đòi hỏi sự chăm sóc công phu, tỉ mỉ, lại trồng theo hướng hữu cơ, không hóa chất nên khâu chăm sóc càng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt hơn. Anh Mạnh cho biết, với cây măng tây xanh, phải thường xuyên cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ. Khâu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là chọn giống. Giống măng tây phải là F1 có năng suất cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kháng được nhiều bệnh, dễ thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương.
Về thời vụ, sau khi ươm giống cây măng tây trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra trồng. Trên diện tích mỗi ha cần khoảng 500g hạt giống, mật độ khoảng 18.000 – 20.000 cây/ha. Độ pH của đất phải ở ngưỡng 6,5 – 7, nhiệt độ thích hợp để cây măng tây phát triển tốt nhất từ 25 – 30°C. Thời gian gieo hạt thông thường vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng vào tháng 2, tháng 3 và gieo hạt cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 (dương lịch). Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 6 – 8 tháng.
Do đặc tính của cây măng tây không chịu được úng ngập nên cần phải lên luống cao khoảng 30cm, hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 40cm và mỗi hốc trồng 1 cây. Cây măng có thân mỏng manh nên khi cây cao khoảng 40cm cần phải cắm cọc để tránh cây bị đổ ngã.
Về phân bón cho cây, lượng phân bón cho 1ha được gia đình anh Mạnh áp dụng như sau: Giai đoạn bón lót bón phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân lân nung chảy, phân ure; bón thúc 2 lần/tháng bằng phân NPK hoặc phân chuồng ủ hoai kết hợp với đạm và kali. Từ năm thứ 2 trở đi, lượng phân có thể tăng lên 10 – 20% tùy vào tình hình sinh trưởng của cây.
“Khác với các loại rau màu khác, cây măng tây xanh rất ít sâu bệnh và không ưa dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bệnh chủ yếu là nấm mốc, người trồng chỉ cần rắc vôi bột cho cây. Sản phẩm thu hoạch là những thân cây măng xanh non mỡ màng nên việc phòng, trị các loại sâu đất, sâu xanh, rệp, côn trùng cắn hại cây là rất quan trọng”, anh Mạnh cho hay.
Do cây măng tây xanh là cây cho thu hoạch chồi măng non mỗi ngày, vì thế rất cần được cung cấp đều đặn, đầy đủ nước tưới hàng ngày ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng. Mùa nắng phải giữ đều độ ẩm của đất khoảng 65 – 70% để cây măng ngọt, mềm, cho năng suất, chất lượng cao. Mùa mưa phải chú ý tiêu thoát nước, tuyệt đối không được để úng ngập quá 24 giờ vì sẽ làm đầu chồi măng biến dạng, cong vẹo, gốc rễ cây măng và chồi măng phát bệnh, hư thối, cây sẽ không cho măng hoặc măng bị giảm chất lượng đáng kể, không thể thu hoạch được.
Khi phát hiện sâu bệnh hại, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, gia đình anh Mạnh sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học tự chế có nguồn gốc từ thảo mộc như ớt ngâm, tỏi pha loãng với nước để trừ sâu bệnh.
Cây măng tây xanh từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu phải cần 6 – 7 tháng, đến năm thứ 2 trở đi thì cho thu hoạch liên tục. Măng được thu hoạch ròng cả tháng, cả năm, nhưng tốt nhất nên thu hoạch khoảng 25 ngày/tháng, 8 tháng/năm khi thời tiết ấm, thời gian còn lại về mùa đông nên cho cây nghỉ dưỡng sức để tiếp tục đẻ nhánh thay thân mẹ, người trồng khỏi phải đầu tư lại giống.
Đặc biệt, thời gian thu hoạch măng tốt nhất phải từ 4 – 6 giờ sáng hoặc lúc tối, vì lúc ấy là thời điểm cây cho hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Nếu thu hoạch vào lúc mặt trời mọc, cây măng tây có thể sẽ bị đắng và hàm lượng dinh dưỡng không cao. Hiện mỗi ngày trên diện tích 2,4 mẫu, gia đình anh Mạnh thu hoạch được bình quân từ 60 – 80kg măng/ngày. Người hái măng dùng tay bới xung quanh cây, khi đủ kích thước khoảng 25cm thì nhổ.
Để người tiêu dùng biết đến giá trị dinh dưỡng của cây măng tây xanh nhiều hơn, anh Mạnh đã tích cực quảng bá hình ảnh sản phẩm qua các hội thảo về nông nghiệp, đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng tây của gia đình trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo và youtobe. Nhờ vậy, sản phẩm măng tây xanh được đông đảo khách hàng trên khắp cả nước biết đến và đón nhận.
Sau khi hái măng, sản phẩm được phân loại trước khi bán ra thị trường. Theo đó, hiện gia đình anh Mạnh phân loại măng theo 2 loại: Măng loại 1 (thân to, đều đẹp) được bán với giá 100.000đ/kg, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, đám cưới. Măng loại 2 (hàng xô) được bán với giá từ 60.000 – 80.000đ/kg. Năm 2022, với 2,4 mẫu đất ven sông Đáy, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận gia đình anh Mạnh thu về 800 triệu đồng. Hiện vườn măng tây của gia đình anh Mạnh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.