Hướng dẫn cách trồng măng tây đúng chuẩn, cây lớn nhanh mạnh khỏe

Hướng dẫn cách trồng măng tây đúng chuẩn, cây lớn nhanh mạnh khỏe

Măng tây là một sản phẩm đang được rất nhiều người ưa chuộng sử dụng ở Việt Nam hiện nay. Cây măng tây không chỉ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Thế nhưng kỹ thuật trồng măng tây lại không quá khó. Vì thế hãy cùng Cleanipedia tìm hiểu cách trồng măng tây đúng chuẩn sao cho cây lớn nhanh mạnh khỏe các bạn nhé!

Đã Cập Nhật 

Cây măng tây

Tại sao nên trồng măng tây tại nhà?

Măng tây chẳng những chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao mà còn mang lại nhiều dược tính vô cùng có lợi cho sức khỏe. Do đó, hiện nay các món ăn từ măng tây rất được ưa chuộng trong ẩm thực ở Việt Nam.

Tuy nhiên, giá thành của loại cây vẫn còn khá đắt đỏ, vì thế mà các bà nội trợ lại có xu hướng e dè khi chọn mua. Hơn nữa, với nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng ngày càng tăng cao,  nên việc chọn tự trồng cây măng tây tại nhà là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Bởi vì việc này chẳng những cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng giá trị và an toàn cho gia đình mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí khi đi chợ. Đặc biệt, cây măng tây còn có khả năng thu hoạch từ 4 – 8 năm nên mang lại giá trị kinh tế vô cùng cao cho những người trồng loại cây này.

Lợi ích khi sử dụng măng tây.

Trong măng tây có chứa rất nhiều vitamin, axit amin, một số loại khoáng chất, chất sắt giúp bổ máu, canxi giúp chắc xương, kẽm,… Ngoài ra, măng tây còn có thể chữa rất nhiều bệnh cho cơ thể như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, đường ruột,…

  • Ngăn ngừa lão hóa: Loại cây này có tác dụng bảo vệ làn da trước tác hại từ ánh nắng mặt trời.
  • Ngăn ngừa loãng xương: Nhờ vào hàm lượng vitamin K dồi dào, măng tây có khả năng hỗ trợ và tăng cường sức khỏe của xương.
  • Giảm cân: Đây là một loại thực phẩm có chứa rất thấp calories vì thế loại cây này rất hữu dụng trong việc giảm cân.
  • Ngăn ngừa ung thư: Chất glutathione trong măng tây có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư rất hiệu quả.
  • Tốt cho tim mạch: Do rất giàu potassium (kali) nên măng tây giúp điều hòa huyết áp giúp tim trở nên khỏe mạnh hơn.
  • Tốt cho đường ruột: Măng tây chứa một loại carbohydrate giúp cho sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi cho đường ruột như: Lactobacilli và Bifidobacteria.

Chi tiết cách trồng măng tây đơn giản tại nhà

Cách trồng măng tây trong thùng xốp

  • Chuẩn bị

Đất trồng măng tây là loại đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất cát. Để cho cây có thể phát triển nhanh và cho chất lượng tốt thì bạn cần bón phân lót trước khi trồng. Đồng thời, bạn cũng cần chuẩn bị các thùng xốp to để có thể tiến hành trồng cây.

Lưu ý: măng tây là loại cây trồng phát triển bộ rễ rất mạnh và thời gian cho thu hoạch từ 5 – 8 năm nếu bạn chăm sóc tốt. Do đó, nếu trồng trong thùng xốp thì các bạn nên chọn loại thùng xốp to và nên mỗi thùng trồng 1 cây măng tây.

  • Ươm hạt

Ủ hạt giống trong khăn tối màu ở nhiệt độ 30 – 40 độ C trong vòng 1 tuần, để nơi kín gió và ánh sáng. Cứ khoảng 12 tiếng, bạn nên tưới nước ấm 1 lần cho hạt. Sau khi ủ từ 9 đến 12 ngày thì hạt sẽ nứt nanh và có thể đem trồng.

Khi trồng măng tây trong thùng xốp, bạn cần gieo hạt có độ sâu từ 1 – 2,5 cm. Lưu ý nên phủ lên hạt một lớp đất mỏng rồi tưới nước vì cây măng tây khá ưa ẩm nên bạn cần tưới nước thường xuyên, đều đặn hàng ngày khi thấy đất khô.

  • Chăm sóc

Bạn nên bón bổ sung thêm các loại phân chuồng, phân lân, phân NPK khi cây được khoảng 2- 3 tháng để cây có thể phát triển tốt hơn cũng như giàu chất dinh dưỡng hơn. Bón phân định kỳ cho cây 3-4 tháng/lần.

Sau khoảng 9 tháng từ ngày ươm hạt thì măng tây sẽ bắt đầu cho những búp măng đầu tiên. Tránh tình trạng ươm không đúng như kỹ thuật làm cho hạt giống không nảy mầm được hoặc cây con yếu, sẽ dễ bị chết.

  • Thu hoạch

Khi bạn thấy búp măng tây chồi lên cao khỏi mặt đất 20 – 30 cm thì bạn có thể tiến hành thu hoạch măng để sử dụng rồi đấy nhé!

Cách trồng măng tây bằng hạt

Cũng tương tự như cách trồng măng tây trong thùng xốp.

  • Đầu tiên, hạt giống cần được ngâm với nước ấm trong khoảng 12 giờ. Sau đó, bạn vớt phần hạt giống vừa được ngâm ra để ráo rồi đem ủ trong khăn/vải khoảng 9-12 ngày để hạt nứt nanh. Tiếp đó, bạn đem ươm hạt giống vào các bầu cây hoặc trồng trực tiếp ra đất vườn ươm nhà mình.
  • Nếu ươm vào bầu, bạn nên chọn bao polyetylen có kích thước 7×12 cm và nhớ là phải đục sẵn lỗ thoát nước dưới đáy nhé! Cho vào bầu phần đất sạch, tro trấu và phân chuồng hoai mục, rồi bạn hãy chọc 1 lỗ sâu 0,5 – 1cm để đặt hạt giống vào và nhẹ nhàng lấp lại.
  • Giai đoạn này, bạn nên nhớ cứ sau 12- 15 tiếng thì phải tưới nước ấm bằng bình phun tưới. Ngoài ra, bạn nên dùng giàn che để có thể hạn chế tác động của nắng mưa. Cây sẽ nảy mầm và phát triển nhanh sau khoảng 7 ngày gieo trồng.

Cách trồng măng tây bằng cành

Nếu lựa chọn trồng măng tây bằng cành thì bạn có thể bỏ qua các quá trình ươm hạt. Tuy nhiên, bạn cần phải xử lý phần đất 1 tháng trước khi trồng cành măng tây.

  • Đầu tiên, bạn cần xới đất tới độ sâu 40-50 cm để phần thân cây măng tây có thể mọc được rễ. Bạn cũng cần phải dọn sạch cỏ và phun thuốc diệt trừ sâu bệnh trước khi trồng cây xuống đất.
  • Trước 15-10 ngày trồng phần cành xuống đất, phần đất trồng nên được bón vôi bột, bón lót phân vi sinh hoặc phần chuồng và 4-5kg phân lân/100m2.
  • Khi trồng cây, bạn nên đào các hố sâu khoảng 20-30cm để phần thân cây có thể dễ bén rễ. Đồng thời, các hố nên cách nhau 40-50cm để đảm bảo cây sẽ có đủ không gian và đủ chất dinh dưỡng để phát triển tốt nhất.
măng tây

Lưu ý khi trồng và chăm sóc cây măng tây

Dưới đây sẽ là một số lưu ý khi trồng cây và chăm sóc cây măng tây mà bạn cần biết:

  • Về nhiệt độ, cây măng tây sẽ được phát triển tốt nhất ở nơi có nhiều ánh sáng và vùng có nhiệt độ dao động từ 15-30 độ C. Vì vậy, bạn cần duy trì nhiệt độ ở mức lý tưởng cho cây nhất là 25 độ C.
  • Do ảnh hưởng từ khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng và có mưa nhiều, nên nếu bạn không chăm sóc cây đúng kỹ thuật, măng tây sẽ rất dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh có hại nhất là vào mùa mưa.
  • Khi phần cây măng tây đã đạt độ cao khoảng 1-1.5m, bạn nên dùng dây cước giăng thành các hàng đôi và kẹp măng tây ở giữa để cây măng tây không đổ ngã.
  • Sau khoảng 4-5 tháng sau khi trồng cây, bạn nên tiến hành tỉa bỏ các cây già, còi cọc và chỉ giữ lại 4-6 cây mẹ khoẻ mạnh. Như vậy sẽ giúp kích thích cây mọc được nhiều cây con mới hơn.

Trên đây là những cách trồng cây măng tây cũng như những công dụng tuyệt vời của loại cây này đối với sức khỏe chúng ta. Hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết hơn về măng tây, thông qua đó có thể gieo trồng và chăm sóc cây măng tây tại nhà, bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *