Người Chăm thôn Tuấn Tú đẩy mạnh trồng cây măng tây cho giá trị kinh tế cao
Thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã. Cũng giống như tỉnh Ninh Thuận, Thôn Tuấn Tú có hai “đặc sản” là nắng và gió, 65% diện tích là đất pha cát bạc màu.
Ông Kiều Minh Tiến – người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm của thôn nhớ lại, trước đây, bà con chỉ biết trồng lạc, cà rốt… Năm nào sản phẩm được giá thì đời sống no ấm. Năm nào vì lý do này, lý do kia, sản phẩm không được giá thì đời sống bà con lại bấp bênh.
Với mong muốn giúp người dân chuyển đổi cây trồng để có thu nhập ổn định, năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thử nghiệm đưa cây măng tây vào đồng đất của thôn. Ông Tiến đã tiên phong hưởng ứng.
Ông Kiều Minh Tiến là người tiên phong trồng cây măng tây và giờ đây, loại cây trồng này đã giúp người Chăm thôn Tuấn Tú đổi đời |
Ngày đó, diện tích đất sản xuất khan hiếm, cuộc sống khó khăn nên không mấy người dám thử nghiệm “đặt cược” vào cây trồng mới. Vậy nên những người đi tiên phong như ông Tiến nếu thành công thì sản phẩm rất được giá.
Không ngờ ván cược thành công. Cây măng tây sinh trưởng xanh tốt trên khoảnh vườn nhà ông Tiến. Đúng như dự đoán, sản phẩm rất được giá, lên tới 90.000đồng/kg (tức là cao gấp đôi hiện nay). Cây măng tây đã giúp ông Tiến nuôi được 4 người con ăn học đàng hoàng.
Măng tây được mệnh danh là “hoàng đế” dinh dưỡng trong các loại rau. Trên thị trường, măng tây rất được ưa chuộng. Giá trị kinh tế mà măng tây mang lại cộng với khả năng tiêu thụ thuận lợi trên thị trường đã thôi thúc người Chăm thôn Tuấn Tú liên kết nhau thành lập hợp tác xã kiểu mới. Với sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những xã viên người dân tộc Chăm đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ.
Hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ 15 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ninh Phước hỗ trợ mua cây giống; Hội Nông dân các cấp tín chấp cho hội viên vay vốn ngân hàng; Dự án “Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” của tổ chức phát triển Hà Lan hỗ trợ phụ nữ giống, hệ thống tưới nước tiết kiệm, hệ thống máy cắt gốc măng tây; hỗ trợ chứng nhận VietGap; hỗ trợ phát triển nhận diện thương hiệu và nhãn mác bao bì, thiết kế đăng ký quyền tác giả logo cho hợp tác xã…
Hợp tác xã Tuấn Tú đã liên kết với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến bao tiêu sản phẩm cho xã viên với giá mua vào 50.000đồng/kg măng tây. Hợp tác xã trực tiếp đứng ra thu mua sản phẩm, tổ chức sơ chế rồi giao hàng cho Trang trại tiêu thụ trên thị trường, sau đó thanh toán tiền bán măng theo hợp đồng cho xã viên.
Với cơ chế này, mỗi ngày hợp tác xã thu mua cho xã viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm thôn Tuấn Tú có doanh thu gần 4 tỷ đồng, cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Nhiều người nhờ cây măng tây đã thoát nghèo bền vững.
Chị La Thị Hoa trước là hộ nghèo, sau khi tham gia hợp tác xã, mạnh dạn trồng 2,5 sào măng tây đạt thu nhập 122 triệu đồng/năm. Chị Não Thị Châu Từ Xim trồng 2 sào, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm…
Ngoài nguồn thu từ bán sản phẩm, một số phụ nữ Chăm đã có thêm thu nhập từ những hoạt động phụ trợ. Chị Châu Thị Chăm vui vẻ cho biết, hàng ngày, chị ra điểm thu mua của hợp tác xã từ 7h – 9h để làm công việc phân loại măng. Công việc không vất vả mà cũng đem lại thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Cây măng tây cho thu hoạch 9 tháng/năm, ít nhu cầu phân bón; hiệu suất kinh tế cao. Ông Lỗ Trung Tài – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Tuấn Tú so sánh, cứ 1 kg măng tây có giá trị bằng 10 kg thóc. Ngày nào người dân trong thôn cũng có tiền bởi nhà ít thì cũng được thu hoạch 10 -15 kg; nhà nhiều thì 30 – 50 kg. Tuổi thọ thu hoạch của cây măng tây kéo dài tới 10 năm nên bà con không tiếc tiền đầu tư giống tốt để đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.
Nhiều phụ nữ dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú đã có thêm thu nhập từ công việc phân loại măng tây khi tham gia vào Hợp tác xã |
Ông Kiều Minh Tiến chia sẻ, với người Chăm thôn Tuấn Tú, cây măng tây đúng là “trời cho”. Bà con tận dụng mọi diện tích để trồng. Từ trồng trong vườn, sát vào tận cửa nhà đến trồng thành cánh đồng mẫu lớn để tăng sản lượng, tăng thu nhập.
Năm xưa, ông Tiến là người đi tiên phong trồng cây măng tây. Nay, ông tiếp tục là người đầu tiên chế biến trà măng tây. Trà được làm từ gốc măng tây, trở thành thức uống thơm ngọt dịu nhẹ, chứa dồi dào các hợp chất chống oxy hóa, hỗ trợ ngăn cản sự tiến triển của một số bệnh ung thư, giúp giảm cân…
Kinh doanh trong thời đại công nghệ số phát triển nên ông Tiến cũng rất thức thời. Trên bao bì sản phẩm, ông để mã vạch QR giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu thông tin sản phẩm và thanh toán thuận lợi, nhanh chóng.
Đến thôn Tuấn Tú bây giờ, một khung cảnh trù phú hiện lên giữa vùng đất cát đầy nắng và gió. Nổi bật giữa những vườn măng tây xanh mướt mắt, dáng vẻ “liễu yếu đào tơ” là những ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi. Hầu hết trong tổng số hơn 500 hộ dân của thôn đã có nhà xây to, đẹp nhờ phần nhiều vào thu nhập từ cây măng tây.
Tuấn Tú không chỉ trở thành điểm tựa vươn lên của các thành viên mà còn là hình mẫu cho mô hình hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên nền loại cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, hợp tác xã đã làm được hai việc, đó là vừa liên kết được các thành viên, vừa liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định trong cả năm cho bà con.
Những mô hình đó đang được khuyến khích phát triển nhân rộng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình).
Tại nội dung số 03: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình đặt mục tiêu: Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Đối tượng được thụ hưởng Dự án là doanh nghiệp, HTX đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; doanh nghiệp, HTX mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.