Trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ, ‘xanh hóa’ đất cát ven biển

Đất cát ven biển kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước ở Ninh Thuận, Bình Thuận chuyển sang trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ đã cho giá trị cao, phát triển bền vững.

Mô hình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ được triển khai từ Dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ, đơn vị thực hiện là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, thời gian từ năm 2021 – 2023.

Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình với quy mô khoảng 19ha, liên kết tiêu thụ sản phẩm hơn 50% sản lượng cho người dân, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với ngoài mô hình. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tổ chức 22 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia mô hình và đào tạo, tập huấn cho người dân chưa tham gia để nhân rộng mô hình; tổ chức 4 hội nghị sơ kết và 1 hội nghị tổng kết dự án; nhân rộng mô hình đạt hơn 20% so với tổng quy mô dự án được duyệt.

Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố từ Dự án Khuyến nông Trung ương. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố từ Dự án Khuyến nông Trung ương. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong năm 2022, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã xây dựng được mô hình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ với quy mô 8ha, liên kết tiêu thụ sản phẩm hơn 50% sản lượng cho người dân tham gia mô hình, hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với măng tây xanh ngoài mô hình.

Bước sang năm 2023, theo kế hoạch, Công ty sẽ xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ với quy mô khoảng 7ha, liên kết tiêu thụ sản phẩm hơn 50% sản lượng cho người dân, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với ngoài mô hình. Trong đó, thực hiện 1 mô hình trồng cây măng tây xanh với quy mô 7ha tại Ninh Thuận; tiếp tục chăm sóc năm thứ 2 với quy mô 8ha trồng vào năm 2022, trong đó có 6ha trồng tại Ninh Thuận và 2ha trồng tại Bình Thuận.

Đồng thời, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia xây dựng mô hình và đào tạo, tập huấn cho người dân có nhu cầu xây dựng mô hình, trong đó tại Ninh Thuận sẽ tổ chức 5 lớp, tại Bình Thuận 1 lớp. Tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn cho người dân chưa tham gia để nhân rộng mô hình, trong đó tại Ninh Thuận 2 lớp và 1 lớp tại Bình Thuận. Tổ chức 2 hội nghị sơ kết tại Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 hội nghị tổng kết dự án. In 4.000 tờ gấp kỹ thuật và xây dựng 3 bảng hiệu pano tuyên truyền, giới thiệu kỹ thuật sản xuất và hiệu quả từ mô hình sản xuất măng tây.

Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn, trao đổi, thông tin trang bị kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực hành về áp dụng công nghệ cao vào kỹ thuật trồng thâm canh măng tây xanh tại Ninh Thuận và Bình Thuận, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất măng tây.

Mô hình là địa điểm tham quan, học hỏi cho người dân trong vùng để nhân rộng ra các diện tích đất cát ven biển trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình là địa điểm tham quan, học hỏi cho người dân trong vùng để nhân rộng ra các diện tích đất cát ven biển trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất và chất lượng măng tây sản xuất trong mô hình được nâng cao hơn so măng tây canh tác phổ biến ngoài mô hình. Hiệu quả của măng tây sản xuất trong mô hình tạo xung lực để các hộ dân trên địa bàn triển khai dự án áp dụng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao kỹ thuật canh tác, thâm canh cây măng tây góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân nhờ hiệu quả kinh tế cao.

Lợi nhuận từ mô hình sản xuất măng tây xanh ước tính đạt 200 triệu đồng/ha/năm, đồng thời mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng trên vùng đất cát ven biển thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang sản xuất cây măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Dự án được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi từ đất canh tác lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ nên không tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn tài nguyên nước, tài nguyên đất. Bởi, canh tác theo hướng hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP thì việc sử dụng vật tư đầu vào theo đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, trong danh mục quy định; phòng trừ sâu bệnh hại theo IPM nên không gây ra tồn dư thuốc BVTV trong đất, trong nước, trong không khí và đặc biệt là cho ra sản phẩm an toàn.

Ông Trần Tiến Sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho biết: “Các hoạt động của mô hình có tác động làm tăng năng suất, chất lượng cho măng tây xanh, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tại địa phương.

Với năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ mô hình ước tính đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so rất nhiều so với các cây trồng khác. Hiệu quả từ hoạt động mô hình của dự án nhằm khuyến cáo, nhân rộng và phát triển mô hình theo hướng tập trung, hiệu quả, bền vững.

Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/trong-mang-tay-xanh-theo-huong-huu-co-xanh-hoa-dat-cat-ven-bien-d353578.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *